Forrest Gump

Tom Hanks, thủ vai Forrest Gump

 

Forrest Gump

Bài bình phim này là dành tặng mọi người cùng anh Khoa Văn và bạn Trí Tân, một người đã cho tôi coi cọp nhiều bài bình phim của anh, một người đã cho tôi coi cọp nhiều bộ phim của anh, hì hì!

Lần đầu tôi xem phim này cách đây đã gần mười năm. Cứ mỗi lần xem lại, tôi lại nhận ra được một điều mới mẻ. Kể cũng lạ, trong một xã hội Mỹ, hay ít nhất là trong điện ảnh Mỹ vốn suy tôn cho mẫu anh hùng cá nhân, thì thành công vang dội của Forrest Gump, bộ phim về cuộc đời một anh chàng ngơ ngơ ngáo ngáo thật là thú vị.

Trước hết, hãy nói về Forrest. Anh có một trí óc không bình thường, nói thẳng ra anh là một thằng ngốc. Ấy thế mà, anh đã đạt được rất nhiều thành công trong cuộc sống, theo cái cách mọi người vẫn nghĩ về từ này. Anh vào đại học, thành cầu thủ bóng đá Mỹ nổi tiếng, và tốt nghiệp sau mấy năm…chơi bóng đá! Anh vào quân đội tham chiến ở Việt Nam, trở về thành một anh hùng được huân chương. Anh trở thành cao thủ bóng bàn, tham dự vào sự kiện “Ngoại giao bóng bàn Mỹ – Hoa”. Anh trở thành doanh nhân, chủ một hãng đánh bắt tôm lớn có cổ phần trong một hãng buôn táo (công ty Apple!)…Thật buồn cười là tất cả những điều anh có được ấy, là bằng cách chạy! Chạy thật nhanh! Không phải ngẫu nhiên mà trong phim cái câu “Run, Forrest! Run!” được lập lại nhiều lần. Ta giật mình thảng thốt: Ơ! Vậy để có được cái mong muốn, mình phải đuổi theo hay bỏ chạy?

Forrest, một cách tình cờ, và thật hài hước, đã dự phần vào rất nhiều sự kiện lịch sử chấn động nước Mỹ và thế giới. Cái chân tật nguyền của anh đã dạy cho Elvis Presley cách nhảy để chàng ca sĩ vô danh trở thành ông vua. Một động tác nhặt giúp một cô gái da đen quyển sách rơi đã biến anh thành người da trắng đầu tiên ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc rộ lên tại Mỹ năm 1963. Những câu nói của anh khi trò chuyện cùng John Lennon về chuyến đi Trung Quốc đã giúp John viết nên bản “Imagine” bất hủ. Một cú điện thoại từ khách sạn báo cảnh sát  có ăn trộm trong tòa nhà bên cạnh đã đưa anh thành người phát hiện ra vụ Watergate… Chúng ta thường nghĩ, những sự kiện vĩ đại ắt phải có một nguồn gốc vĩ đại, và qua những tình tiết kể trên, ta không khỏi giật mình lần nữa mà nhận ra rằng: những điều bình thường, giản dị, mới thật sự là vĩ đại, nếu ta ưa quan tâm đến cái từ này.

Một ngày kia, Forrest muốn chạy, và anh đã chạy, dù không biết đích đến là gì. Truyền thông loan tin, nhiều người đã theo anh vì họ nghĩ rằng anh đang chạy vì một thông điệp nào đó, hay to tát hơn, vì một triết lý nào đó. Vậy nên ngay cả chiếc áo in hình cái khuôn mặt lấm bùn của anh cũng trở nên bán chạy hơn tôm tươi. Anh đã chạy rất xa, rất lâu, để rồi một ngày kia anh dừng lại, cũng chẳng vì lý do nào cả. Vậy thì, trong cuộc sống chúng ta, đôi khi ta hãy cứ làm điều mình muốn và thôi làm điều không muốn mà chẳng cần lý do nào cả, không cần giải thích. Vì như anh chàng Forrest kia, nếu anh nói mình chạy mà không có mục đích nào hết thì người ta có tin không?

Forrest có một tình yêu với Jenny. Thật thú vị là anh không bao giờ nói, đại loại là anh chỉ có mình em, em là duy nhất…Rất đơn giản, anh yêu cô, và luôn nghĩ đến cô, không kể Jenny của anh đã thay đổi rất nhiều qua từng năm tháng. Vì vậy mà rồi Jenny đã trở về bên anh… Nhiều người sẽ bĩu môi bảo đó là thứ tình yêu của một thằng ngố! Ừ! Ngố! Thật ra khi một người nói yêu ai đó thì chỉ bản thân chính họ mới biết đó có là sự thật hay không, còn tất cả xung quanh đều chỉ là những người ngố mà thôi!

Tiếp theo, hãy nói về Jenny. Dường như cả cuộc đời cô là một giấc mơ. Khi còn bé cô mơ mình hóa thành cánh chim để bay khỏi căn nhà của người cha thường hãm hiếp con gái mình. Khi trưởng thành cô mơ mình thành một người nổi tiếng, một Joan Baez… Cứ như vậy cho đến hết cuộc đời, cô chỉ còn lại một điều cô chưa từng mơ, thậm chí không nghĩ đến, là Forrest. Đôi khi, những điều mình đang có đã là đẹp như một giấc mơ rồi, nhỉ!

Anh bạn Bubba môi trề của Forrest cũng thật thú vị. Cả cuộc đời anh chỉ xoay quanh đề tài tôm, tôm, và…tôm. Với người khác chắc chỉ một hai câu là hết chuyện tôm, nhưng Bubba có thể nói ngày này qua tháng nọ. Anh yêu nghề thật lòng, chẳng bao giờ thèm để ý thiên hạ có đánh giá cao thấp gì cái nghề anh chọn hay không. Ai trong chúng ta có đủ can đảm để làm theo trái tim mình như Bubba?

Bà Gump, mẹ của Forrest, thật là sắc sảo. Bà đã nhẹ nhàng ru Forrest đi qua năm tháng, làm anh luôn tin mình không có khác biệt nào so với mọi người. Nếu bà không làm vậy, có lẽ Forrest đã bị ném vào thùng rác của xã hội, vốn dùng để    chứa loại người như anh. Bà đã làm, rất thực tế, bằng cách để ông hiệu trưởng đè lên thân xác mình cho con được có cơ hội làm một đứa trẻ bình thường, phỉ nhổ vào cái chỉ số IQ phi nhân tính đó.

Trung úy Dan, xếp của Forrest tại Việt Nam, dường như là tượng trưng cho mẫu anh hùng sa chân theo đúng nghĩa của từ này, vì anh đã mất cả hai chân. Anh sống trong một thế giới tưởng tượng, một cuộc đời được lập trình sẵn, rằng anh phải chết anh dũng như cha ông mình. Và rồi cũng chính Forrest chứ chẳng phải là ai khác, đã lôi anh về với cuộc sống thực, mà cũng chẳng phải mất công thuyết phục gì. Thật ra, Forrest đã sống thật cuộc sống của mình, trung úy Dan đã thấy được điều đó và anh cũng cần phải sống thật cuộc sống của anh. Cuộc sống thật của mỗi người, tự nó đã là lời thuyết phục rồi còn gì!

Cái xã hội Mỹ nhốn nháo, xôn xao bởi không biết bao nhiêu sự kiện trong hai thập niên 1960 – 1970. Mà thật ra cái xã hội nào, và ở đâu lại chẳng xôn xao bởi vô vàn lý do. Vậy mà Forrest đã đi qua những năm tháng ấy, dường như chỉ gồm có vài hành trang: mẹ, Jenny, Bubba, Dan, chạy, tôm. Cái danh sách cụt lủn đến mức buồn cười nếu so với mỗi chúng ta, nếu ta cũng ngồi liệt kê ra một danh sách những hành trang cần thiết để đi ngang cuộc đời của chính mình.

“Cuộc sống như một hộp chocolate vậy. Ta không bao giờ biết trước được mình sẽ nhận được gì trong đó.”

Tháng 1 năm 2010.

KAN.