Đạo Phật và Khoa học – Đối thoại giữa nhận thức luận trong đạo Phật và trong cơ học lượng tử (Phần 1)

Bìa sách “Buddhism and Science”

Ghi chú của Kan:

1) ĐĐLLM: Đức Đạt Lai Lạt Ma, AW: Alan Wallace, TJ: Thupten Jinpa.

2) Trong phần thảo luận này, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Alan Wallace, Thupten Jinpa đại diện cho đạo Phật; Anton Zeilinger và Arthur Zajonc đại diện cho giới vật lí.

3) Cụm từ “Nó là như vậy thôi” được dịch từ một số cụm tiếng Anh trong bài, như “That’s just the way it is” hay “That’s just the way things are”… Nghĩa của cụm từ này trong đạo Phật là: Phật tính/ Pháp tính/ Thể tính/ Bản chất các Pháp.

TÁC GIẢ: ANTON ZEILINGER

Anton Zeilinger sau khi được giáo dục trong ngành cổ học Hi La đã theo học vật lý tại Đại học Vienna. Ông là giảng viên cũng như giảng viên mời ở nhiều trường khắp nơi trên thế giới, trong đó có Đại học Vienna, MIT, Đại học Melbourne, Đại học kỹ thuật Munich, College de France và Đại học Merton. Hiện ông là giáo sư vật lý tại Viện vật lý thực nghiệm thuộc Đại học Vienna. Nghiên cứu chủ đạo của ông thuộc lĩnh vực cơ sở của cơ học lượng tử mà ông cùng nhóm nghiên cứu qua nhiều năm đã tìm được một số thí nghiệm cơ bản có tính quan trọng, trong đó gần đây nhất là quantum teleportation.

ĐỐI THOẠI GIỮA NHẬN THỨC LUẬN TRONG ĐẠO PHẬT VÀ TRONG CƠ HỌC LƯỢNG TỬ

Năm 1997 khi ông Arthur Zajonc là đồng nghiệp và bằng hữu của tôi mời tôi đến thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma tại nơi ngài cư ngụ ở Dharamsala để luận bàn về vật lí hiện đại thì tôi rất hứng khởi. Vì công việc liên quan tới nền tảng cơ học lượng tử khiến tôi ngày càng suy tư về những câu hỏi thuộc nhận thức luận, nên tôi rất vui được thảo luận một số vấn đề như vậy với Đức Đạt Lai Lạt Ma vốn là đại diện cho một truyền thống tâm linh lớn trên thế giới.

Viện Tinh Thần và Cuộc Sống do ông Adam Engle làm chủ tịch đã sắp đặt và tổ chức cuộc gặp ngay tại Dharamsala, từ ngày 27 đến 31, tháng 10 năm 1997. Trong năm ngày liên tục, mỗi buổi sáng một đại biểu trình bày quan điểm cá nhân về một vấn đề vật lí lượng tử hoặc vũ trụ học, và buổi chiều là dành cho bàn thảo và tranh luận dài hơi giữa mọi đại biểu. Danh sách đại biểu tham dự gồm: Đức Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso, David Finkelstein, nhà thiên văn George Greenstein, Piet Hut, Thupten Jinpa, triết gia Tu Weiming (Đỗ Ngụy Minh – Kan), Alan Wallace, Arthur Zajonc. Bản ghi cuộc trao đổi này đã được Arthur Zajonc biên tập và ấn hành.

Cá nhân tôi cần nhắc lại là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với đạo Phật là vào sáng ngày 27 tháng 10 năm 1997 khi tôi gặp riêng Đức Đạt Lai Lạt Ma để trình bày một bài giới thiệu những khái niệm cơ bản trong cơ học lượng tử. Trước đó tôi chưa từng khảo cứu về đạo Phật ở bất kì mức độ nào, cũng như chưa từng tiếp cận với triết lí đạo Phật. Trong quá trình thảo luận với ngài, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là mình đã hiểu ra đạo Phật không chỉ là một truyền thống tâm linh mà còn chứa một hệ thống nhận thức luận cũng như lí luận súc tích và chặt chẽ. Tôi phải nói thêm là việc thảo luận với Đức Đạt Lai Lạt Ma thật bổ ích, không chỉ theo mức độ cá nhân. Ngài luôn đặt ra những câu hỏi thích đáng, giống như loại câu hỏi mà một người thầy có tầm đặt ra cho người học trò giỏi của mình. Thêm một điều ấn tượng nữa là sự cởi mở của ngài khi bàn về những giáo huấn của nhà Phật. Không ít lần ngài đã nhấn mạnh là nếu giới khoa học phương Tây chúng ta phát kiến ra bất cứ cái gì phủ nhận giáo huấn nhà Phật, thì giáo huấn đó có thể cần thay đổi.

Do được biết Đức Đạt Lai Lạt Ma ưa thích các dụng cụ kĩ thuật nên tôi đã mang theo dụng cụ làm một số thí nghiệm đến Dharamsala. Một bộ dùng cho thí nghiệm Young (double slit experiment) và bộ kia dùng để biểu thị độ phân cực của ánh sáng. Tôi chắc chắn đó là lần đầu tiên thí nghiệm Young được thực hiện ở Dharamsala. Bởi cả hai thí nghiệm dường như đã thành công về mặt diễn giảng và thu hút được sự quan tâm của ngài, nên tôi đã mạnh dạn mời ngài đến Innsbruck ( tại Áo – Kan) nơi tôi sống hồi đó để tham quan phòng thí nghiệm của chúng tôi. Tôi rất vui mừng là ngài nhận lời mời ngay lập tức.

Vì thế mà vào tháng 6 năm 1998, tôi tổ chức một hội thảo có tên Hội nghị quốc tế chuyên về những vấn đề nhận thức luận trong vật lí lượng tử và trong khoa học thiền định phương Đông, tại Innsbruck và lần này cũng do Viện Tinh Thần và Cuộc sống hỗ trợ tài chính một phần. Hội thảo với sự góp mặt của chính Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn ra trong hơn hai ngày rưỡi. Arthur Zajonc, Thupten Jinpa, Alan Wallace, Adam Engle và tôi đã gặp nhau hai hôm trước đó để chuẩn bị cho hội thảo, chúng tôi đã có nhiều tiền khảo sâu sắc, kĩ càng. Chúng tôi cũng cảm thấy cần có một hay hai ngày trao đổi thêm sau hội thảo.

Trong chuyến thăm phòng thí nghiệm, việc thảo luận tập trung vào nhiều thí nghiệm lượng tử nền tảng mà nhóm chúng tôi đã sắp đặt tại phòng thí nghiệm. Một lần nữa thật thú vị khi được thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma liên tục đưa ra nhiều vấn đề nhận thức luận sâu sắc một cách trực diện. Ngài cũng liên tục cật vấn chúng tôi nhằm hiểu ra luận chứng cho nhiều kết luận khác nhau của giới vật lí. Tôi dám cam đoan rằng nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma không đóng vai trò lãnh đạo thế tục và tâm linh cho người dân Tây Tạng mà xét trong một bối cảnh khác, ngài có thể trở thành một nhà vật lí xuất chúng.

Thật là khó đánh giá đầy đủ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong những tranh luận của chúng tôi tại Dharamsala cũng như tại Innsbruck. Cũng thật khó tránh khỏi thiếu sót khi phân tích quá trình trao đổi tư tưởng và quan niệm dựa trên quan điểm riêng của mỗi bên. Cho nên tôi thấy tốt nhất là thuật lại vài phần thú vị trong quá trình thảo luận ngay sau đây, tập trung thẳng vào vấn đề nhận thức luận trong ngành lượng tử phương Tây cũng như trong đạo Phật phương Đông. Tôi hiểu là cách làm này thu hút không nhiều mối quan tâm nhưng tôi chắc chắn nó toát lên một phần tinh thần các buổi tranh luận. Phần diễn giải tương đối chi tiết hơn về những tranh luận này đã được đăng trên nguyệt san tiếng Đức GEO vào tháng 1 năm 1999. Tôi tin là trong tương lai tài liệu đó sẽ được phân tích kĩ và được trình bày theo cách rộng hơn.

VỀ GIỚI HẠN CỦA SỰ PHÂN TÍCH

Zeilinger: Hôm nay ta nên bàn về điều gì nhỉ? Chúng tôi đã nghĩ tới chuyện bàn về một số vấn đề tổng quát hay vấn đề triết lí nảy sinh từ những trao đổi với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala trước đây. Chúng tôi đang quan tâm bàn luận về chuyện này: ở vài thời điểm trong những lần trao đổi tại Dharamsala thì Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rằng đôi khi giới hạn của lập luận chỉ có được bằng cách nói “Nó là như vậy thôi. Là bản chất của tình huống.” (That’s the way it is. That is the nature of the situation) Chúng tôi rất muốn biết là lúc nào ta có thể nói như thế? Khi nào chúng ta mới nhận ra ta không thể đưa ra thêm lập luận nào nữa? Điều này rất quan trọng khi bàn tới nền tảng của cơ học lượng tử, và vì chúng ta có những tình huống tương đương nhau nên chúng tôi rất muốn biết trong truyền thống của quí vị thì lúc nào ta có thể nói, ừ, nó là như vậy thôi…

ĐĐLLM và AW [nói tiếng Tây Tạng]

AW: trong triết lí đạo Phật truyền thống, nếu ta hỏi tại sao quả táo rơi xuống thì phải chăng câu trả lời sẽ là bởi nó là như thế thôi? Hay nói cách khác, nó là vậy thôi. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng điều đó không đúng. Nói vậy là do ta chưa tìm được cách lí giải. Chỉ vì chưa tìm ra được cách lí giải mà đã nói nó là như vậy thôi (that’s just the way things are) thì chưa đủ. Ví như tôi hỏi mặt trời có màu gì? Nó màu vàng. Tại sao nó màu vàng? Phải chăng người Phật tử sẽ cho rằng sao lại hỏi thế bởi nó là như vậy thôi? Đức Đạt Lai Lạt Ma bảo điều đó không đúng. Lại nữa, ta không có được lời giải thích, nhưng cũng không đủ khi nói nó là như vậy thôi. Nhưng nếu ta đưa ra một mệnh đề khác nữa, thì theo quan niệm về nghiệp như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, khi ta tạo một nhân tốt (positive action) thì ta có một quả tốt (positive result). À, tại sao lại thế? Khi ta có lòng bao dung thì nghiệp quả của ta là sự sung túc và thịnh vượng. Tại sao lại thế? Giờ thì ta có thể nói, bởi nó là như vậy.

ĐĐLLM [nói tiếng Tây Tạng]

AW: Tương tự, hãy nói về những tính chất chính yếu của tâm thức. Chúng là gì? Là tâm thức minh mẫn hay có tính trong sáng. Đó là một. Là tâm thức có tính thực chứng. Đó là hai. Tại sao tâm thức lại có hai tính chất chính yếu trên? Bởi nó là như vậy. Cũng như ta có thể nói tại sao một photon (quang tử – Kan) lại có ba thuộc tính? Tại sao nó có hướng, tần số, tính phân cực? Phải chăng ta chỉ có thể nói bởi nó là như vậy? Hay ta có cách gì khác có thể giải thích tường tận hơn không? Có hay không một lí giải nào sâu hơn cho điều đó, hay ta chỉ tin rằng nó là như vậy thôi? Tất cả những gì liên quan đến chuyện này chỉ có thế.

Zajonc: Thật là một ví dụ hay.

AW: Cho nên người Phật tử rất tin tưởng vào bản chất của tâm thức – theo nghĩa nó là như vậy thôi. Không có gì mơ hồ cả. Nó không đơn thuần là sự vô minh của ta. Nó là như vậy thôi (tiếng Tây Tạng: chos nyid, tiếng Phạn: dharmata, tiếng Việt: Pháp tính / bản chất các Pháp).

Zeilinger: Vậy giới Phật tử có niềm tin như thế là do suy xét hay cái gì khác?

ĐĐLLM, AW và TJ [nói tiếng Tây Tạng]

AW: Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng chỉ vì ta không biết đến lí giải nào sâu hơn, không có nghĩa là không tồn tại lí giải nào như thế.

ĐĐLLM [nói tiếng Tây Tạng]

AW: Tương tự, quí vị chắc hẳn cũng gặp những tính huống như vậy trong cơ học lượng tử. Quí vị tin rằng chỉ vì quí vị chưa tìm được lí giải không có nghĩa là không tồn tại một lí giải nào hết.

Zajonc: Nhưng với chúng tôi thì đôi khi những vùng xám mà chúng tôi không chắc lắm. Chẳng hạn, ta có thể nói rằng có một số đại lượng tất định cơ bản như là hằng số Planck hay điện tích. Đó là những hằng số tổng quát. Quí vị có thể thắc mắc tại sao hằng số Planck lại có giá trị đúng bằng như thế? Ở đây có đôi điều cần bàn, là lí giải cho câu hỏi vừa rồi nằm trong vũ trụ học chứ tuyệt nhiên không phải vì nó là như vậy, mà cụ thể là do sự phân bố năng lượng hoặc phân bố của cái gì đó khác trong toàn vũ trụ. Thế đấy. Hay chẳng hạn tại sao một vật thể lại có quán tính? Tại sao quán tính cản trở chuyển động? Vâng, quí vị có thể nói bởi nó là như vậy, nhưng một số người khác sẽ bảo rằng tại vì vật thể đó có mối liên hệ nhất định với toàn bộ khối lượng vũ trụ nên nó có quán tính. Những cái vừa rồi tôi gọi là vùng xám. Ta không chắc đây có phải là giới hạn của suy luận hay những suy luận này vẫn có khả năng mở ra những thảo luận mới. Nên sẽ rất hay nếu ta có một tiêu chuẩn chặt chẽ sao cho ai cũng áp dụng được…

Zeilinger: Trở lại vấn đề tâm thức, để phân tích về tâm thức trên tinh thần những gì Arthur (Zajonc – Kan) vừa trình bày, đôi khi thật khó mà biết lúc nào thì cho nó là như vậy và lúc nào thì cho là có thể mở ra một suy luận mới.

AW [nói tiếng Tây Tạng] Tôi mới hỏi Thupten Jinpa là ông phân biệt điều vừa rồi ra sao? Lấy tiêu chuẩn thế nào đây?

TJ [nói tiếng Tây Tạng]

AW: Không có lí giải nào cho điều này, và ông Thupten Jinpa nói rằng ông cũng không có lí giải.

Zeilinger: Vâng. Vậy làm cách nào và lúc nào thì quí vị biết được?

AW: Ông phải xét từng trường hợp một.

ĐĐLLM, AW và TJ [nói tiếng Tây Tạng]

TJ: Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang bàn dựa trên quan điểm nhà Phật, ngài muốn nhắc đến sự hiện hữu của trí tuệ thông suốt trong một vị Phật vốn được xem là thấu hiểu mọi thứ. Cho nên, xét theo quan điểm nhà Phật thì câu hỏi “Tại sao tâm thức có hai đặc điểm chính như trên?” chỉ có thể trả lời là “Bởi nó là như vậy thôi.”

ĐĐLLM [nói tiếng Tây Tạng]

TJ: Cũng thế cho câu hỏi tại sao nhân tốt lại dẫn đến quả tốt và nhân xấu đưa đến quả xấu…

Zeilinger: Dường như ví dụ tốt nhất cho cái ta gọi là “nó là như vậy” có trong vật lí. Càng ngày ngành vật lí càng đặt mọi thứ trên nền tảng những nguyên tắc đối xứng tất định (certain symmetry principles). Đối xứng ở đây có nghĩa rất tổng quát, không đơn thuần là đối xứng phải/ trái mà còn có nghĩa thế này: ví dụ, quy luật tự nhiên giữa bây giờ và trong vòng mười phút tới là phải như nhau. Cũng có thể cho một ví dụ khác, nhưng tựu trung tự nhiên phải vận hành như vậy. Những quy luật đó phải như nhau dù là ở Innsbruck này hay ở Dharamsala, không được có khác biệt nào. Cái đó chúng tôi gọi là nguyên tắc đối xứng – nghĩa là quy luật vẫn bất biến cả khi ta thay đổi đi cái gì đó. Chiếu theo những nguyên tắc đối xứng ở trên, ta có thể nói “Nó là như vậy thôi.” Không còn nguyên nhân nào sâu hơn nữa.

ĐĐLLM [nói tiếng Tây Tạng]

TJ: Vậy phải chăng ông muốn nói là nhiều quy luật tự nhiên có nghĩa nó là như vậy thôi?

AW: Hay những quy luật tự nhiên và hơn thế nữa? Chẳng hạn lực hấp dẫn?

Zajonc: Một số quy luật được sinh ra dựa trên quan điểm đó.

AW [nói tiếng Tây Tạng]

Zajonc: Chúng được sinh ra bằng cách đó. Theo một nghĩa nào đó, ta có thể nói rằng, vâng, nó là như vậy thôi bởi để thế giới hiện hữu thì nó đúng là phải như thế. Nhưng nhà vật lí thì cho rằng sẽ hay hơn nếu tìm về được những tiền giả định giản dị nhất, những mệnh đề đơn giản nhất, và tổng quát nhất.

ĐĐLLM, AW và TJ [nói tiếng Tây Tạng]

AW: Nghĩa là mệnh đề càng tổng quát càng tốt, đồng thời càng ít càng tốt.

TJ [nói tiếng Tây Tạng]

Zajonc: Có thể theo nghĩa trên thì tình huống sẽ là “Nó là như vậy thôi”. Chúng là quy luật tự nhiên.

TJ: Vậy đó là những quy luật cơ bản nhất.

Zajonc: Vâng, là những quy luật cơ bản nhất. Có vài nguyên tắc vừa rất đơn giản lại rất đẹp, tuy ít ỏi nhưng cho phép ta đưa ra nhiều kết quả cụ thể liên quan tới lí thuyết hấp dẫn, thuyết điện từ, thuyết lượng tử, vân vân. Quí vị có thể thắc mắc, vậy đâu là sức mạnh của các nguyên tắc giản dị đó? Vài nhà vật lí đã nghĩ về sức mạnh này theo lối siêu hình – nó có sức mạnh lớn như thế là do nó phải mang một nhiệm vụ có thể là vĩ đại nhất trong toàn vũ trụ.

AW: Đạo Phật cũng có những nét tương đồng. Trong đạo Phật, chúng tôi có bốn nghiệp lực. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc đến một trong số đó: nếu ta tạo một nhân gây hại, ta sẽ nhận lại một quả xấu. Còn có ba nghiệp lực khác, mà không cái nào là hệ quả của cái nào hết. Nên tất cả có giá trị tương đương nhau. Nhưng nếu xét riêng từng loại, ta có thể nói nó là như vậy thôi. Chúng là căn bản, và có lượng hàm nghĩa rất lớn. Vậy thì, chúng cũng ít về số lượng – nhưng lại có ứng dụng phổ quát cũng như một lượng hệ quả khổng lồ.

Zajonc: Xét một trường hợp cụ thể khi ta có một quy luật. Nếu ta càng nhìn vào tầng sâu hơn trong quy luật này, ta thấy nó chỉ là sự kết hợp của những quy luật cơ bản hơn. Điều cần thiết là ta không thể nhìn vào tầng mặt hay tầng phụ mà nói nó là như vậy thôi được. Ta phải truy nguyên cái quy luật đó.

(Phần tiếp theo: Bàn về nguyên tử, quang tử, và lượng tử – On Atoms, Photons, and Quanta)

Dịch: Kan

Leave a comment