Lý tính và phi lý tính

LÝ TÍNH

Thế giới này đang ngày càng đi sâu vào lý tính.

Lý tính là gì? Tạm nói theo cái biết thô thiển của tôi, lý tính là khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, hay dở, cao thấp v.v. Nổ theo ngôn từ triết học cho nó hoành tráng, nó là một thứ dualism, một quan điểm nhị nguyên về thế giới này.
Nói về lý tính, không thể không nhắc đến logic học và khoa học. Vậy hãy bắt đầu nói về lý tính từ logic học, rồi sau đó là khoa học.

Lý tính và logic học

Từ Aristotle trở đi, phương pháp suy luận đã được đúc kết thành hệ thống, với những nguyên lý của nó. Logic sơ khởi này được gọi là “logic hình thức” (formal logic) hay “logic toán” (mathematical logic). Nó có ba yếu tố cơ bản thiếu sót trầm trọng như sau:

Một là, phải mệnh đề hóa các sự kiện trước khi tiến hành suy luận, nghĩa là mỗi sự kiện phải gắn với giá trị đúng hoặc sai, đồng nghĩa với một dạng nhị nguyên. Không cần phân tích dài dòng, mà tôi cũng không phân tích được do thiếu hiểu biết. Chỉ lấy ví dụ về hệ thống văn bản pháp luật để thấy cái thất bại của quan điểm “mệnh đề hóa” thực tế. Rõ ràng càng lúc người ta càng đẻ ra vô số luật lệ thành văn, nghĩa là, anh tuân theo thì anh không bị phạt và ngược lại thì bị phạt. Những tưởng luật lệ càng nhiều thì vi phạm càng giảm nhưng ngược lại, nó ngày càng tăng lên. Như vậy, việc “mệnh đề hóa” thực tế, gắn cho nó cái tiêu chuẩn đúng – sai là một việc vô nghĩa.

Tiếp theo hãy tạm chấp nhận “mệnh đề” để bàn tiếp về hai nguyên lý cốt lõi khác của logic hình thức.

Hai là, nguyên lý bài trung: một mệnh đề A hoặc đúng hoặc sai chứ không thể có trường hợp khác. Cái nhìn phiến diện như vậy đã gây mệt mỏi cho con người bao nhiêu năm nay. Lấy một ví dụ trong khoa học, thành trì của logic, người ta đã hoang mang trước hiện tượng ánh sáng vừa biểu thị tính chất sóng lẫn hạt vốn là hai mệnh đề loại trừ nhau, phải chờ đến Einstein can đảm dứt bỏ cái lối bài trung kia mà gắn cho nó lưỡng tính sóng – hạt. Một ví dụ khác trong thực tế, hãy xét mệnh đề: “Phá thai là một hành vi phi đạo đức”. Ai đủ khả năng áp dụng nguyên lý bài trung cho mệnh đề này?

Ba là, nguyên lý phi mâu thuẫn: với một sự kiện tại một thời điểm, hoặc nó có tính A hay không có tính A chứ không thể vừa có A vừa không có A. Vậy thì hiện tượng lưỡng tính trong tự nhiên, với A là đực, không A là cái, sẽ giải thích thế nào đây? Hay một hiện tượng tâm lý, tại cùng một thời điểm, cô kia vừa rất yêu vừa rất ghét người yêu của mình giải thích thế nào?

Vậy nên, cái logic học hình thức, thứ được dạy rất nhiều tại các trường đại học ở Việt Nam ngày nay, đã phá sản ngay từ đầu. Đoạn tiếp theo tôi chép lại từ Wikipedia tiếng Việt.

Logic được thảo luận bên trên đều gọi là “lưỡng giá trị” hay là “có hai giá trị”; nghĩa là, chúng được hiểu một cách tự nhiên nhất như là chia các đề nghị ra thành đề nghị đúng hoặc đề nghị sai. Các hệ thống từ bỏ hai giá trị được biết đến như là logic không cổ điển.

Vào năm 1910 Nicolai A. Vasiliev bỏ đi quy luật loại trừ giá trị giữa và quy luật mâu thuẫn và đề nghị luật giá trị thứ tư bị loại trừ và loại logic chấp nhận mâu thuẫn. Trong đầu thế kỉ 20 Jan Łukasiewicz nghiên cứu sự mở rộng của các giá trị truyền thống đúng/sai để bao gồm một giá trị thứ ba, “có thể”, do vậy phát minh ra logic ba giá trị, hệ logic đa giá trị đầu tiên.

Logic trực giác được đề nghị bởi L.E.J. Brouwer như là logic đúng đắn cho việc lý luận về toán học, dựa trên sự từ bỏ của ông về luật loại trừ giá trị giữa như là một phần của chủ nghĩa trực giác của ông. Brouwer từ bỏ các công thức hệ thống trong toán học, nhưng học trò của ông là Arend Heyting nghiên cứu logic trực giác một cách khuôn mẫu, cũng như Gerhard Gentzen. Logic trực giác đã được quan tâm nhiều bởi các nhà khoa học máy tính, bởi vì nó là một logic xây dựng, và do vậy là một loại logic mà các máy tính có thể làm được.

Modal logic không đúng với các điều kiện, và do vậy thường được đề nghị như là một ngành logic không cổ điển. Tuy nhiên, modal logic thông thường được hệ thống hóa với nguyên tắc loại trừ giá trị chính giữa, và ngữ nghĩa quan hệ của nó là hai giá trị, do vậy sự gộp chung này là còn bàn cãi. Mặt khác, modal logic có thể được sử dụng để mã hóa các logic không cổ điển, ví dụ như logic trực giác.

Logic như là logic mờ (fuzzy logic) từ đó đã được đưa ra với vô hạn các giá trị “mức độ của sự thật”, biểu diễn bằng một số thực giữa 0 và 1. Xác suất Bayesian có thể được phiên dịch như là một hệ thống logic mà xác suất là giá trị sự thật khách quan.

Tôi càng lúc càng thấy buồn cười cho cái lối tư duy hệ thống hóa của phương Tây. Ừ thì lấy ngay “logic mờ” làm ví dụ cho nó hợp thời trang, vì đây là lý thuyết logic mới nhất mà phương Tây đã sản xuất ra. Tôi còn gặp cái từ Fuzzy logic này ngay trên cái máy giặt hiệu LG nhà mình! Hỏi một câu đúng tinh thần logic: thế nào là khái niệm “sự thật”, “mức độ của sự thật”? Ừ thì xác suất Bayesian cho nó kinh. Vậy thế nào là khái niệm “khách quan”? Đố ai chỉ ra được bất cứ cái gì “khách quan” đấy!

Lý tính và khoa học

Trước tiên nói về khoa học. Phương pháp khoa học cơ bản có ba bước như sau: quan sát hiện tượng và thu thập dữ liệu – nêu giả thuyết – kiểm lại giả thuyết bằng thực nghiệm. (lưu ý là quy trình này không đúng cho Toán học, vốn được phương Tây xếp thành một đối tượng riêng chứ không phải là “khoa học” hay “khoa học tự nhiên” theo cách hiểu ở Việt Nam). Quy trình này đã giúp ích cho con người “biết” (tôi nhấn mạnh chữ này, không phải là “hiểu”) về thế giới xung quanh. Tuy vậy, dường như khoa học càng lúc càng sa đà! Hãy xét một mối quan hệ giữa các ngành, cái sau phụ thuộc vào cái trước: Toán – Lý – Hóa – Sinh. Thật vậy! Ngành Vật lý nếu bỏ đi các công thức Toán lập tức biến thành Văn học. Ngành Hóa được xây dựng hoàn toàn trên các khái niệm Vật lý như electron, năng lượng, nguyên tử v.v. Ngành Sinh, đến lượt nó, giải thích thế giới sống chủ yếu bằng quan niệm Hóa học và cơ chế vận hành kiểu Vật lý, cho nên mới có DNA và quá trình nhân đôi của nó diễn ra trong cái “nhà máy” là con người.

Các nhà khoa học hiện nay đang say sưa dùng các lý thuyết Toán – Lý hiện đại nhất để giải thích về vũ trụ. Tôi không biết cuối cùng việc này sẽ dẫn đến đâu. Nếu lấy lý thuyết tập hợp (set theory), nền tảng Toán học, làm ví dụ, thì một tập con A (ở đây là con người) làm thế nào để bao trùm lên được tập mẹ B (ở đây là vũ trụ)? Những vấn đề kiểu vũ trụ to chừng nào, nguồn gốc ra sao, có biên hay không v.v. là cái thứ khoa học gì? Chỉ biết, đã có rất nhiều “giả” thuyết về mô hình này nọ của vũ trụ (tôi nhấn mạnh chữ “giả”), và những thứ lý thuyết giả hiệu này sẽ còn phát triển tới đâu?

Tương tự, các nhà khoa học đang say sưa dùng các lý thuyết Hóa – Sinh để giải thích về thế giới sống. Họ quan niệm các vật chất sống hình thành bởi các hợp chất Hóa học và vận động theo quy luật Vật lý. Ngành hóa có hai phương pháp cơ bản là phân tích và tổng hợp. Hóa học phân tích (Analytical chemistry) đã chia một thực thể, con người chẳng hạn, thành vô số hợp chất hóa học khác nhau và ngành Sinh học dùng các cơ chế Vật lý để giải thích sự vận hành của chúng, chẳng hạn cơ chế hoạt động của HIV. Thế nhưng biết đến bao giờ họ mới dùng Hóa học tổng hợp (chemical synthesis), cái chân còn lại, để “tổng hợp” nên được một con người hoàn chỉnh mà không cần dùng đến phương pháp “tầm thường” đã biết?

Không dừng ở đó, các nhà khoa học còn say sưa “khoa học hóa” nhiều vấn đề xã hội với một hy vọng là khi đã “hóa” được rồi, thì những vấn đề xã hội sẽ được giải quyết dễ dàng như 1 + 1 = 2! Xu thế này được thể hiện rõ nhất trong ngành Kinh tế học, vì ngành này tuy là khoa học xã hội nhưng lại chứa một số lượng khổng lồ các công thức và ký hiệu toán học, cùng hàng đống giải Nobel đã được trao cho các phương pháp hay lý thuyết giải quyết một vấn đề kinh tế nào đó. Kết quả thế nào? Thật đúng lúc là khi tôi đang viết bài này thì đọc được bài “Khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng trong kinh tế học” của một tác giả đang giảng dạy…Kinh tế học! (bài đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, xem chi tiết tại đây: http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/ghinhan/27855/ ) Tôi cho rằng tham vọng “khoa học hóa”, “lý thuyết hóa”, “mô hình hóa” các vấn đề xã hội là một chuyện nực cười!

Vậy thì, lý tính nói chung nên biết tự giới hạn phạm vi của mình. Nếu cứ cao ngạo mà đòi giải thích cho tất cả mọi điều từ cái vi mô đến vĩ mô, từ cái “thấy” được cho đến cái không “thấy” được, thật chẳng khác nào “thầy bói xem voi”, như trong câu chuyện nhẹ nhàng mà thâm thúy của tiền nhân.

PHI LÝ TÍNH

Phi lý tính, phải nói cho rõ, ở đây là để đối với cái “lý tính” đang tràn ngập ngoài kia, không màng đến nhị nguyên. Chừng nào ta còn thốt ra “chả hiểu tại sao…”, “không biết thế nào…” thì đó, đơn giản là phi lý tính. Nói gần hơn, là cảm tính (tuy vậy tôi không dùng từ này vì hình như ở Việt Nam chúng ta quan niệm “cảm tính” là một cái không nền tảng, không đầu không đuôi, không mấy giá trị!)

Rõ ràng những thứ “phi lý tính” mới chiếm phần lớn thời gian sống của chúng ta. Ta có thể dùng lý tính để nghĩ chuyện này, làm chuyện kia nhưng nó chỉ là phần rất nhỏ so với phi lý tính. Phi lý tính là “đói ăn khát uống”, chỉ có vậy, không cần bận tâm giải thích tại sao! Nếu nói theo phong cách nổ là “vô vi” cho nó có dáng dấp Lão Tử!

Đứa con có hư mấy thì cha mẹ vẫn yêu thương, người tình có bạc mà ta vẫn nhớ, hằng hà sa số những điều tương tự xảy ra trong cuộc sống mỗi ngày là phi lý tính. Ta không thể giải thích được, và cũng không cần giải thích. Chúng ta cần đưa cái phi lý tính này về đúng vị trí của nó, phải quan tâm chăm sóc yêu thương nó nhiều hơn chứ đừng cố vứt bỏ nó ra khỏi mình.

Nói về cái phi lý tính trên phương diện chung, đạo Phật thật là đặc sắc. Trước hết cần phải nhắc lại là phần lớn những lời Đức Phật dạy mà ta còn lưu lại được đến ngày nay, là dành cho một đối tượng cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể. Vậy nên không thể dùng lý tính mà phán xét rằng lời Ngài nói chỗ này nó mâu thuẫn với chỗ kia, hành động này nó ngược với hành động nọ.

Về phương pháp, “thanh gươm” Tứ cú phân biệt của Ngài Long Thụ thật là sắc bén, mỗi vung lên là chặt đứt mọi hý luận vô nghĩa về bất cứ thứ gì, kể cả lý tính lẫn phi lý tính. Vì vậy, trạng thái Giác Ngộ của một bậc đạt đạo là không thể mô tả hay giải thích, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là “không thể nghĩ bàn”. Đó là phi lý tính.

Và, cũng như lý tính, phi lý tính có phạm vi áp dụng của nó. Cho nên, lấy một ví dụ, cái việc đem kinh điển đạo Phật vào lý giải một số hiện tượng khoa học như vài người đang làm là một việc cũng thật nực cười. Những chuyện khác cũng tương tự.

Sau cùng là, lý tính và phi lý tính như tay phải và tay trái của mỗi con người. Có người thuận tay phải, có người thuận tay trái, nhưng không ai có đầy đủ cả hai tay mà chỉ dùng một tay thuận của mình.

Tháng 1 năm 2010.

KAN.

Leave a comment