Một chút về đạo Phật và khoa học

Bìa sách "Buddhism and Science"

Có thể bàn về cái gì khi nói đến tương quan giữa đạo Phật và khoa học? Có lẽ, cả hai cùng đi trên con đường tìm về thực tại. Đạo Phật với vai trò con đường tâm linh đã giúp cuộc đời này vơi đi nhiều nỗi khổ. Khoa học với vai trò con đường tạo ra vật chất đã giúp cuộc đời này bớt nhọc xác thân. Đó là cái chung. Còn cái riêng là gì? Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ, khoa học là địa hạt của lí trí, không có chỗ cho niềm tin, và ngược lại, đạo Phật là địa hạt của niềm tin, không có chỗ cho lí trí. Thật ra không phải như vậy.

Niềm tin trong khoa học

Người ta hay cho rằng khoa học có nền tảng là lí tính, không có chỗ cho niềm tin mơ hồ, mâu thuẫn. Thật thế à? Lấy ví dụ trong môn hình học Euclid mà ai cũng đã từng học qua. Thứ nhất, định nghĩa những khái niệm cơ bản như điểm, đường thẳng, mặt phẳng được mặc nhiên thừa nhận! Trong đó, điểm được xem là một thứ không có kích thước hay kích thước bằng không. Vậy tại sao tập hợp vô số thứ không kích thước như thế lại thành một đường thẳng có kích thước hay độ dài được? Kế đến, đường thẳng được coi là không có bề rộng, vậy tại sao tập hợp vô số thứ không có bề rộng như thế lại thành một mặt phẳng có bề rộng được?

Loại hình học này được xây nên dựa trên hệ tiên đề Euclid nổi tiếng, mà ta đã biết tiên đề được xây dựng mà không chứng minh, nghĩa là ta chỉ có tin hay không tin thôi chứ không có cách gì phân tích bằng lí lẽ được.

Tương tự như vậy trong ngành đại số. Quí vị nào biết các cấu trúc đại số cơ bản như nhóm, vành, trường đều biết là chúng được định nghĩa cũng theo lối tiên đề, và vài tính chất cơ bản như giao hoán hay không giao hoán cũng vậy.

Continue reading

Bức thư cũ của Thầy Thích Minh Châu

(Đây là phần Ngố chép lại từ sách “Đức Phật của chúng ta” – tác giả Thích Minh Châu – NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2005, từ trang 323 đến 327. Những dòng in nghiêng là của sách. Thân mời quý vị cùng xem.)

Phật học viện Nalanda, ngày 1 tháng 8 năm 1962.

Kính bạch chư vị Thượng tọa, Đại đức,

Kính anh em Học tăng,

Namo Buddhàya,

Nhân ngày chư Tăng mãn hạ, làm lễ Tự tứ, tôi rất sung sướng có lời thỉnh an chư vị Thượng tọa, Đại đức và kính thăm toàn thể anh em Học tăng, cùng chung vui với toàn thể Phật tử trong ngày hoan hỉ này, mừng chư Tăng giới luật tinh nghiêm, mừng Đạo pháp rực rỡ, huy hoàng. Lễ An cư Tự tứ chính do đức Phật thân chế, sau khi nhận lời cầu thỉnh của vua Tần – bà – ta – la (Bimbisàra) để chư Tăng an tịnh, thiết thực tu hành trong ba tháng. Trải hơn 25 thế kỷ, chư Tăng Đại thừa hay Tiểu thừa đều tôn trọng quy chế này. Và chư Tăng Việt Nam, dầu nước nhà có trải qua nhiều biến cố quan trọng, vẫn trung thành với mỹ tục An cư Tự tứ này, và chúng ta có thể nói, ngày nào Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn trung thành gìn giữ Kiết hạ An cư, ngày ấy đạo Phật Việt Nam được vững bền hưng thịnh. Đạo đức còn thời Giáo hội còn; Giáo hội còn thì Phật giáo Việt Nam còn.

Tôi có được tin nhiều anh em Học Tăng năm nay trúng tuyển vào các trường Trung học và Đại học của Chánh phủ. Như vậy anh em đã đem lại vinh dự riêng cho từng cá nhân anh em và cũng đem lại vinh dự chung cho toàn thể Tăng giới Việt Nam. Và chúng tôi ở bên này, nghe tin cũng rất sung sướng vui mừng, mừng cho Phật giáo Việt Nam hiện tại, mừng cho tiền đồ Phật giáo Việt Nam sau này. Tiện đây, tôi có vài lời kính gửi anh em Học tăng. Trong kinh Dhammapada (Pháp cú), đức Phật dạy rằng chúng tăng chỉ có hai bổn phận: Tu thiền để chứng các cảnh giới thanh tịnh giải thoát, và học hỏi kinh điển để giảng dạy cho chúng sanh. Trong kinh Ariyapariyesana, Majjhima Nikaya, Đức Phật đến nhà Bà – la – môn Rammaka, thấy chúng Tăng đang bàn luận với nhau. Ngài hỏi các vị Tỷ – kheo đang bàn luận vấn đề gì. Được biết chúng Tăng đang bàn luận về đạo lý, Ngài khen chư Tăng và nói rằng: “Chúng Tăng gặp nhau thì bàn luận đạo lý; nếu không thì nên giữ im lặng.” Như vậy, chúng ta nhận thấy rõ ràng là chư Tăng chỉ có bổn phận học đạo mà thôi, học đạo và tu thiền, chớ không bao giờ Đức Phật khuyên chúng ta học đời cả.

Continue reading